Di cư Huguenot

Những di dân đầu tiên

Những di dân Huguenot đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Jean Ribault rời bỏ nước Pháp để tránh bị bách hại từ năm 1562, thiết lập một khu định cư nhỏ ở Ft. Caroline, dọc bờ sông St. John, ngày nay là Jacksonville, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.

Đây là nỗ lực đầu tiên trong chuỗi di cư liên tục từ Âu châu đến thiết lập những khu định cư trên vùng đất mới, ngày nay là Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Dù vậy, khu định cư Ft. Caroline chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn; một khu định cư của người Tây Ban Nha xuất hiện không lâu sau đó ở St. Augustine đã quét sạch nhóm người Pháp trong năm 1565.

Nam Phi

Đài Tưởng niệm Huguenot tại Franschhoek, Nam Phi.

Ngày 31 tháng 12 năm 1687, một nhóm Huguenot từ Pháp vượt biển đến Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), Nam Phi. Trước đó, từ năm 1671 đã có các thành viên Huguenot đến đây, nhưng những đợt di dân Huguenot với quy mô lớn diễn ra trong hai năm 16881689.

Nhiều người đến định cư tại vùng đất được đặt tên Franschhoek (tiếng Hà Lan nghĩa là Khu Pháp), nay là tỉnh Western Cape thuộc Nam Phi. Một tượng đài lớn ghi dấu những bước chân đầu tiên của nhóm di dân Huguenot trên vùng đất mới Nam Phi được khánh thành ngày 7 tháng 4 năm 1948 tại Franschhoek.

Nhiều nông trang ở tỉnh Western Cape, Nam Phi, vẫn mang tên Pháp và vẫn còn nhiều gia đình, hầu hết nói tiếng Afrikaan, mang họ Pháp như là bằng chứng cho nguồn gốc Huguenot của mình. Điển hình là những họ như Joubert, du Toit, de Villiers, Viljoen, Theron, du Plessis, Labuschagne, và những họ khác, là những họ phổ biến tại Nam Phi ngày nay.[8]

Bắc Mỹ

Bị cấm di cư đến vùng Tân Pháp (những khu thuộc địa của nước Pháp ở Bắc Mỹ từ Newfoundland đến Hồ Superior và từ Vịnh Hudson đến Vịnh Mexico), nhiều người Huguenot tìm đến khu định cư Tân Hà Lan của người Hà Lan, về sau sáp nhập vào New YorkNew Jersey và 13 khu thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ, lần đầu tiên vào năm 1624.

Di dân Huguenot thành lập New Paltz, New York, ở đây có con đường cổ xưa nhất nước Mỹ với những ngôi nhà xây dựng bằng đá, New Rochelle, New York (được đặt tên theo thị trấn La Rochelle tại Pháp).

Những di dân khác chọn khu định cư Virginia, thành lập những cộng đồng ngày nay là Quận Chesterfield và Quận Powhatan ngay phía tây Richmond, tiểu bang Virginia, hậu duệ của họ tiếp tục sinh sống ở đây. Ngày12 tháng 5 năm 1705, Nghị viện Virginia thông qua một đạo luật ban quốc tịch cho 148 người Huguenot sinh sống tại Manakintown.[9] Cầu Tưởng niệm Huguenot bắc ngang sông James được đặt tên để vinh danh họ, tương tự như vậy là một số cơ sở ở địa phương bao gồm các trường học.

Nhiều thành viên Huguenot đến định cư tại vùng đất xung quanh địa điểm ngày nay là thành phố Charleston, tiểu bang Nam Carolina. Năm 1685, Mục sư Elie Prioleau từ thị trấn Pons, Pháp tìm đến định cư ở vùng đất nay gọi là Charlestown. Ông trở thành quản nhiệm cho nhà thờ Huguenot đầu tiên ở Bắc Mỹ. Nhà thờ Kháng Cách (Huguenot) Pháp tại Charleston, là giáo đoàn Huguenot cổ xưa nhất tại Hoa Kỳ vẫn duy trì sinh hoạt cho đến ngày nay.

Hầu hết các giáo đoàn Huguenot ở Bắc Mỹ đều sáp nhập với các giáo phái Kháng Cách khác như Giáo hội Trưởng Lão Hoa Kỳ, Giáo hội Cơ Đốc Hiệp nhất, các giáo hội Cải cách và giáo phái Baptist Cải cách.

Anh Quốc

Ước tính có khoảng 50.000 thành viên Huguenot di cư đến Anh. Nhà thần học và tác giả hàng đầu của Huguenot lãnh đạo một cộng đồng di dân ở Luân Đôn, Andre Lortie, nổi tiếng với những phê phán nhắm vào Toà Thánh và giáo lý biến thể trong Bí tích Thánh thể.

Trong số những người tị nạn đặt chân lên bờ biển Kent, nhiều người tập trung về thành phố Canterbury. Cho đến ngày nay vẫn còn một nhà nguyện Huguenot trong Đại giáo đường Canterbury, nơi nhiều gia đình Huguenot từng được nước Anh đón nhận. Nhiều họ có nguồn gốc từ Pháp được ghi trên tấm thảm đặt ở cổng nhà nguyện.

Rất đông người Huguenot tìm đến sinh sống ở Shoreditch, Luân Đôn. Tại đây họ tạo lập công nghiệp dệt trong vùng Spitafields và Wandsworth.

Nhiều thành viên Huguenot đến Ái Nhĩ Lan và xây dựng các nông trang, một số tham gia chiến đấu chống lại Vua Louis XIV trong cuộc chiến William ở Ái Nhĩ Lan, nhờ đó họ được ban thưởng đất đai và tước hiệu, nhiều người định cư ở Dublin.[10] Một số người Huguenot có tay nghề sinh sống ở Ulster giúp thành lập công nghiệp vải sợi ở đây.

Đức và Bắc Âu

Tháp Kỷ niệm của di dân Huguenot tại Fredericia, Đan Mạch

Những người tị nạn Huguenot tìm thấy nơi trú ẩn an toàn tại những xứ sở chấp nhận đức tin Lutheran và Cải Cách như ở một số vùng của Đức và các quốc gia thuộc vùng Scandinavia. Vào năm 1685 Gần 50 ngàn di dân Huguenot tìm đến định cư ở Đức, 20 ngàn tập trung trong vùng lãnh thổ thuộc Phổ, nơi tuyển hầu Friedrich Wilhelm với Sắc lệnh Potsdam cho họ những đặc quyền.[11] Người Huguenot ở đây đã thành lập 2 đội quân: Bộ đội Varenne (1686)Bộ đội Wylich (1688). Nhiều người trong số những hậu duệ của họ sau này trở thành những nhân vật nổi tiếng. Họ cũng thành lập các giáo đoàn tại Fredericia (Đan Mạch), Berlin, Stockholm, Hamburg, Frankfurt, và Emden. Khoảng năm 1700, một số lượng đáng kể cư dân Berlin sử dụng tiếng Pháp như là tiếng mẹ đẻ, người Huguenot tại thành phố này đã cố bảo tồn Pháp ngữ trong cuộc sống thường nhật trong gần một thế kỷ. Song, cuối cùng họ quyết định sử dụng tiếng Đức nhằm phản kháng cuộc xâm lăng nước Phổ của Napoleon trong những năm 1806 - 1807.

Gần 4.000 Hugenotten khác đã tới Baden, Franken (công quốc Bayreuthcông quốc Ansbach, bây giờ thuộc Bayern), công quốc Hessen-Kassel và Württemberg. Nhiều người khác đã tới vùng Rhein-Main, Saarland và Kurpfalz. Khoảng 1.500 Hugenotten định cư ở Hamburg, BremenNiedersachsen. Có lẽ vì hôn thê Eleonore d’Olbreuse cũng là một người Huguenot, công tước Georg Wilhelm von Braunschweig und Lüneburg đã nhận 300 Huguenot vào khu vực của mình ở Celle.

Ảnh hưởng

Cuộc di dân của người Huguenot làm nước Pháp bị chảy máu chất xám và phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi. Sự kiện vương quyền Pháp từ chối cho phép người Kháng Cách đến định cư tại vùng Tân Pháp khiến dân số trong vùng tăng chậm, tạo điều kiện thuận lợi cho người Anh đến xâm chiếm lãnh thổ hải ngoại này của Pháp.

Nhiều nhân vật nổi tiếng của Hoa Kỳ là hậu duệ của người Huguenot như Alexander Hamilton, John Jay cùng những chính khách hàng đầu khác. Người ta tin rằng khoảng một phần tư người Anh cũng có nguồn gốc từ di dân Huguenot.

Frederick Đại đế của Phổ, một người chủ trương khoan dung tôn giáo, chào đón người Huguenot đến định cư trong vương quốc của ông, nhiều người trong số các hậu duệ của họ nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền Phổ. Thủ tướng sau cùng của Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức), Lothar de Maizière, có nguồn gốc Huguenot.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Huguenot http://books.google.de/books?id=xcm834dkOrsC&pg=PA... http://www.amazon.fr/dp/2841000869 http://www.state.gov/g/drl/rls/irf/2004/35454.htm http://www.celticcousins.net/ireland/huguenotpensi... http://www.creeds.net/reformed/frconf.htm http://www.ambafrance-rsa.org/HTML/ThisIsFrance/Po... http://www.hhs-newpaltz.org/ http://www.hrvh.org/collections/inst-intro.htm?ins... http://www.huguenotsocietyofamerica.org/history.ht... http://www.newadvent.org/cathen/07527b.htm